Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Cách chọn và luộc gà ngon ngày tết

Để có được đĩa thịt gà ngon, có màu vàng óng thật đẹp ngày Tết cũng cần có bí quyết nhé chị em.

Chọn gà

Tốt nhất là nếu có thời gian, chị em nên chọn con gà con đang sống rồi nhờ người bán hàng làm thịt giúp, sau đó đem về luộc sẽ ngon hơn là mua gà làm sẵn. Để chọn được con gà ngon không khó chị em lưu ý quan sát:

- Gà phải trông khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Mào gà phải đỏ tươi, mắt nhìn linh hoạt, không lờ đờ. Lông bóng mượt, áp sát thân.

- Mỏ gà bén nhọn, không có hiện tượng chảy nhớt ở mỏ.

- Chân gà thẳng, thon nhỏ; da chân vàng đều và sáng bóng.
- Vạch lông xem thấy da gà mỏng, mềm mại, bóng bẩy; có một số vệt vàng lớn dưới ức, cánh. Qua lớp da có thể nhìn thấy thịt, tia máu ở phần nách, dưới cánh vì da không có mỡ.

- Hậu môn hồng hào, nhấp nháy, co bóp tốt, không có hiện tượng ướt, ra nước hoặc phân ra bất thường.

- Lật cánh kiểm tra kỹ dưới nách, nếu gà bị tiêm bơm nước sẽ có một chấm đỏ nhỏ. Xung quanh vết nước phòng lên có màu đen. Để một thời gian, màu đen sẽ phát tán rộng ra.

- Cũng có thể quan sát phân gà, gà khỏe sẽ không có bọt vàng, nhầy hay lẫn máu tươi... một cách bất thường.

Lưu ý: Tránh mua những con gà có mào tái hoặc tím bầm, ủ rũ, mỏ chảy nước dãi, sờ vào diều thấy căng cứng, mắt lờ đờ, cánh xệ, dáng vẻ mệt mỏi, đầu lúc nào cũng chúi xuống dưới. Da những con gà này thường nhăn nheo, thân gầy gò, ức trơ xương, lông xơ xác; chân lạnh, khô; hậu môn trắng bệt hoặc đỏ, chảy nước hoặc hay có phân dính xung quanh. Đó là những dấu hiệu của gà bị bệnh.

Cách luộc gà ngon


Cho gà vào nồi ngay khi nước còn lạnh, như vậy thịt sẽ chín dần từ ngoài vào trong. Nếu để nước sôi mới cho vào, gà khó chín đều, da sẽ nứt.

Nếu là gà đông để ngăn đá, cần để rã đông hoàn toàn rồi mới luộc nếu không, bạn phải luộc rất lâu và không biết khi nào thịt mới chín hẳn.
Khi nước đã sôi, nên vặn nhỏ lửa, vì nếu để sôi sùng sục, phần thịt ở đùi sẽ co tụt lên, rất xấu. Sau khi nước sôi khoảng 5 phút, bạn vặn nhỏ gas hết cỡ, để trong 5 phút nữa rồi tắt và đậy vung kín chừng 20 phút. Bạn có thể dùng đũa chọc vào gà, nếu đũa đâm xuyên dễ dàng, nước ứa ra không có màu đỏ là đã chín.

Để gà luộc trông mọng, màu da tươi tắn, sau khi vớt ra, nên nhúng ngay vào nồi nước sôi để nguội, nước lạnh càng tốt. Đến lúc gà nguội hẳn mới lấy ra đĩa. Nếu không, da gà sẽ bị khô và xỉn màu. Sau đó, để thịt ráo nước một chút, dùng dùng củ nghệ, giã nhỏ vắt lấy nước trộn với mỡ gà đã thắng quét một lớp lên da, da gà sẽ có màu vàng bóng và căng mượt, trông rất hấp dẫn.

Tổng hợp(Eva.vn)

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Cách lam Bánh Rán nhân thịt

Trong mùa lạnh như thế này, những chiếc bánh rán nhân thịt ấm nóng, giòn rụm, chấm với nước mắm chua ngọt hoặc sốt làm bạn không thể chối từ!
Nguyên liệu:

Vỏ bánh:

- 100g bột nếp
- 20g bột gạo
- 1 củ khoai tây khoảng 60g
- 10g đường
- 1g muối
- 90ml nước
Nhân bánh:

- 150g thịt lợn băm
- ½ củ cà rốt
- ¼ củ hành tây
- 2 tai mộc nhĩ vừa
- 1 bó miến con
- Hạt nêm, bột canh
- Dầu ăn để rán bánh.
Cách làm:

Bước 1: Khoai tây luộc chín, nghiền nhuyễn.
Bước 2: Trộn đều các loại bột với đường, muối.
Bước 3: Cho từ từ nước và khoai tây vào bột trộn đều thành hỗn hợp dẻo, không dính tay. Chú ý: nước nên cho từ từ vì có thể không dùng hết chỗ nước (nên cho 60ml sau đó thêm nước từng chút một đến khi bột dẻo).
Bước 4: Đậy kín bột, để bột nghỉ 30 phút.
Bước 5: Cà rốt, hành tây, mộc nhĩ thái nhỏ, miến cắt nhỏ. Trộn tất cả các nguyên liệu trong nhân. Viên thành các viên nhân đều nhau.
Bước 6: Lấy từng viên bột dàn mỏng, gói nhân vào giữa.
Bước 7: Đun chảo dầu nóng, thả bánh vào rán chín vàng, dầu ngập mặt bánh, rán lửa nhỏ.
Bước 8: Bánh chín để ra giấy thấm dầu cho bớt béo.
Ăn nóng với nước chấm chua ngọt hoặc sốt chua ngọt.

Chúc bạn thành công và ngon miệng với món bánh rán nhân thịt này nhé!

Quỳnh Nga(Eva.vn)

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Súp Chua Trung Hoa Thuần Chay

Súp Chua Trung Hoa Thuần Chay

Món này thật ra vừa chua vừa cay, nhưng có lẽ chua nhiều hơn cay, nên Hồng Hương Jr. xin gọi là Súp Chua (thay vì... chua cay, vì như vậy nghe không được may mắn lắm). Những lúc gia đình và bạn bè họp mặt, nhất là vào mùa đông, có một nồi súp sẽ giúp mọi người cảm thấy ấm áp, phải không bạn? Thêm vào đó, nếu bạn có thể nhín thời giờ, hãy cùng thân hữu hoặc các hội đoàn từ thiện, chia sẻ cơm chay với những anh chị em bất hạnh không nhà. Trời lạnh mà dùng được canh nóng, các vị này sẽ rất hoan nghênh và cảm ơn các bạn.

Món súp này lúc còn trẻ (...hơn bây giờ, nói theo thuyết tương đối), HH có một người bạn rất thích ăn. Vì lúc đó trong số bạn bè rất đông, chỉ có hai người ăn chay, nên HH thường nấu. Các bạn đi ăn ở nhà hàng Tàu sẽ thấy món súp này trong thực đơn; khi nấu chay, vẫn ngon như thường, bạn ạ.

Sau đây HH xin giới thiệu vật liệu và cách nấu.

Vật liệu:

    5 tai nấm đông cô, rửa sạch, ngâm mềm, giữ nước ngâm lại, thái sợi
    1/2 chén măng, thái sợi
    1/2 chén đậu hủ (chiên hoặc không chiên), thái sợi
    1/4 chén cà-rốt, thái sợi
    2 muỗng canh bột bắp (hoặc bột năng)
    1/2 chén giấm
    Dầu mè, tiêu, muối, nước tương

Mình vào bếp chay nhé:

    Nấu khoảng 6 chén nước (bao gồm nước ngâm nấm ban nãy). Khi sôi, cho cà-rốt nấu trước, khoảng 1 phút. Sau đó thêm nấm đông cô, măng, nấu khoảng 2 phút.
    Pha bột bắp với 1/2 chén nước. Khuấy đều.
    Cho từ từ vào nồi. Khuấy đều để súp đặc lại. Nấu khoảng 1 phút nữa.
    Cho đậu hủ vào.
    Cuối cùng thêm giấm.
    Nêm muối, nước tương, tiêu (trắng hoặc đen) theo khẩu vị.
    Tắt lửa. Dọn ăn nóng.
    Trước khi ăn cho thêm vài giọt dầu mè và rắc chút tiêu.

Kính chúc quý vị và các bạn một mùa Giáng Sinh hạnh phúc, an bình, mạnh khỏe, có dịp nhiều ăn chay, tối đa 24/7, và những ước mơ đẹp sẽ thành sự thật.

Cách làm MỨT CHÙM RUỘT ngon nhất hiện nay cho ngày Tết

Cách làm mứt chùm ruột cực kỳ dễ dàng sẽ giúp bạn có món mứt ngon và an toàn khi chiêu đãi mọi người trong dịp tết này.
Nguyên liệu: 
  • 1kg chùm ruột
  • 700g đường cát
Các bước thực hiện: 
1
Chỉ cần cho chùm ruột tươi vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 2 ngày cho nó đông cứng lại, sau đó đem ra ngoài rã đông là tự nhiên trái chùm ruột nó mềm xèo. Sau đó chỉ cần đem vắt cho nó ra bớt nước chua là xong, bắt đầu làm được rồi.
Tuy nhiên chúng ta nên vắt kỹ một tý kẻo sau này mứt dễ bị nhão.
2
Tiếp theo là cho đường vào, 1 kg chùm ruột cho vào khoảng 700g đường là vừa ăn, trộn đều lên rồi đem ra nắng phơi cho đường tan hết.
3
Trùm lại cho vệ sinh, an toàn thực phẩm.
4
Sau khi thấy đường tan hết rồi thì cho hết lên chảo, sên đều tay.
5
Đậy nắp lại để cho có màu, nhớ canh chừng lửa để tránh cháy khét.
Mở vung kiểm tra, thấy màu hơi đậm và nước cạn thì nhắc xuống. Cho ra mâm phơi 1 buổi là được.
Vậy là đã có mứt chùm ruột nhâm nhi, đãi khách trong mấy ngày Tết.

Xem thêm: Cách Làm MỨT DỪA XANH Ngon Nhất Hiện Nay Cho Tết Nguyên Đán

Cách Làm MỨT DỪA XANH Ngon Nhất Hiện Nay Cho Tết Nguyên Đán

mứt dừa

Cách Làm MỨT DỪA XANH Ngon Nhất Hiện Nay Cho Tết Nguyên Đán - Tết này làm món mứt dừa xanh ngon tuyệt đỉnh chiêu đãi bạn bè nhé!

NGUYÊN LIỆU LÀM MỨT DỪA:

- 1kg dừa trắng (chọn dừa bánh tẻ hoặc dừa non tùy khẩu vị)
- 400g đường
- 10g trà xanh
- 50ml sữa đặc
- 1 ống vani

CÁCH LÀM MỨT DỪA:

BƯỚC 1: Dừa trắng gọt sạch lớp vỏ rám nâu bên ngoài, nạo thành sợi dài. Mẹo nhỏ mách bạn để nạo được sợi dài là bổ đôi quả dừa giống như bổ chanh, sau đó đặt dừa lên chiếc bát con (loại bát đựng nước chấm), vừa nạo vừa xoay quả dừa trên chiếc bát thì dừa sẽ được dạng sợi dài, mà bạn cũng đỡ công nhiều lắm đấy! Nếu không thể tự chặt dừa, bạn có thể nhờ người bán hàng chặt giúp lớp vỏ cứng bên ngoài, thậm chí gọt luôn lớp vỏ nâu. Về nhà bạn chỉ việc bổ đôi và bào mỏng.

Dừa nạo ra bạn cân được chừng 1kg thì đem rửa vài lần cho sạch hết dầu dừa. Rửa đến khi nước chỉ còn hơi đục là được. Vớt dừa ra, để cho ráo nước mới đem ướp.

BƯỚC 2: Chia dừa và đường làm hai phần rồi đem trộn làm hai lần để đường tan và ngấm từ từ, thời gian này khoảng chừng 3 – 4 tiếng. Tiếp theo, cho bột trà xanh và sữa đặc vào, trộn cho dừa đều màu rồi chờ dừa ngấm.

Khi sợi dừa ngả màu hơi trong, đường cũng tan hoàn toàn thì bạn có thể bắt đầu sên được rồi.

BƯỚC 3: Bắc nồi dừa lên bếp, kinh nghiệm là bạn nên chọn loại nồi có đáy dày thì sên mứt tốt hơn. Ban đầu đun lửa vừa, giai đoạn này không cần đảo nhiều, chỉ cần thỉnh thoảng đảo cho đường áo đều miếng dừa và không bị cháy.

BƯỚC 4: Khi đường bắt đầu keo lại, đảo mứt thấy hơi nặng tay thì hạ lửa tới mức nhỏ nhất, đun liu riu, lúc này bạn phải đảo dừa liên tục kẻo đường khô sẽ bao không đều miếng dừa.
Đường sẽ dần khô và kết tinh, bám đều xung quanh miếng dừa. Rắc đều bột vani lên mặt, tiếp tục đảo đều.
Miếng dừa khô và áo đều một lớp đường kết tinh mỏng xung quanh là thành phẩm rồi đấy! Đổ mứt dừa ra mâm cho dừa khô và nguội hẳn trước khi cho vào túi bảo quản.

Mứt dừa trắng truyền thống có thể khiến bạn cảm thấy nhàm chán, một chút biến tấu với mứt dừa trà xanh sẽ khiến cho vị dừa quen thuộc mới lạ mà màu sắc cũng tươi tắn hơn. Tết này, khay đồ ngọt tiếp khách nhà bạn chắc hẳn sẽ sinh động hơn với sự góp mặt của mứt dừa trà xanh!

Chúc các bạn thành công với món mứt dừa trà xanh nhé!

Xem thêm: Cách Làm MỨT CÓC Ngon Nhất Hiện Nay Cho Tết Nguyên Đán

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Cách Làm MỨT CÓC Ngon Nhất Hiện Nay Cho Tết Nguyên Đán


Cách Làm MỨT CÓC Ngon Nhất Hiện Nay Cho Tết Nguyên Đán - Tết này bạn hãy trổ tài đãi người thân món mứt cóc bao tử chua chua, cay cay, thoang thoảng mùi gừng, nhâm nhi rất thú vị. Mứt cóc với vị chua chua, cay cay rất thú vị.

NGUYÊN LIỆU LÀM MỨT CÓC:

- 1 kg cóc hoặc cóc bao tử
- 400g đường cát trắng
- 1 cục vôi tôi
- 1 nhánh gừng nhỏ
- 1 thìa nhỏ ớt bột

CÁCH LÀM MỨT CÓC:



Bước 1:

- Vôi tôi hòa tan trong nước lạnh, để khoảng 15 phút để phần vôi lắng xuống đáy, lọc lấy phần nước vôi bên trên, đổ bỏ phần cặn.

- Gừng cạo vỏ thái sợi.



Bước 2:

- Cóc gọt vỏ, bổ làm đôi hay làm bốn phần, nếu dùng cóc quả lớn, có hột thì bạn dùng dao bổ thành nhiều miếng, bỏ hột.

- Ngâm cóc vào âu nước vôi tôi khoảng từ 5 đến 6 tiếng.



Bước 3:

- Sau khi ngâm cóc vớt cóc ra xả lại nhiều lần nước cho thật sạch, để lên rổ cho ráo nước.



Bước 4:

- Cho cóc và đường vào nồi, trộn đều, ướp khoảng từ 4 đến 6 tiếng. Tùy theo cóc chua nhiều hay ít, bạn có thể điều chỉnh thêm liều lượng đường tùy theo sở thích của mình.



Bước 5:

- Bắc nồi cóc lên bếp đun, thêm gừng vào, đun lửa nhỏ.



Bước 6:

- Cho tiếp ớt bột vào đun cùng, thỉnh thoảng dùng đũa đảo đều.



Bước 7:

- Đun đến khi nước đường chuyển màu vàng cánh gián, phần nước đường sệt lại bạn tắt bếp, xếp cóc ra vỉ cho ráo, để khoảng 2 tiếng.

- Sau đó cho cóc vào lọ kín dùng dần.

>>Xem thêm: Cách Làm MỨT GỪNG Ngon Nhất Hiện Nay Cho Tết Nguyên Đán

Cách Làm MỨT GỪNG Ngon Nhất Hiện Nay Cho Tết Nguyên Đán

mứt gừng

Cách Làm MỨT GỪNG Ngon Nhất Hiện Nay Cho Tết Nguyên Đán - Cách làm mứt gừng rất dễ dàng, anh chị em nào cũng có thể làm được.

NGUYÊN LIỆU LÀM MỨT GỪNG:

- Gừng bánh tẻ

- Đường

- Chanh: 1 quả (hoặc 50 ml dấm)

CÁCH LÀM MỨT GỪNG:

Bước 1: Gừng nên chọn mua loại gừng bánh tẻ (không quá già mà cũng không quá non). Đem rửa sạch đất cát rồi cạo bỏ lớp vỏ ngoài. Dùng dao sắc thái miếng thật mỏng (hoặc dùng nạo để nạo gừng thành miếng mỏng).

Bước 2: Cho gừng vào nồi, đổ nước ngập mặt gừng, sau đó đun sôi nước. Nhấc nồi gừng xuống, gạn bỏ nước gừng. Lặp lại động tác luộc gừng khoảng 2 – 4 lần (tùy vào việc gừng đã đạt được độ cay như bạn mong muốn hay chưa). Lần luộc gừng cuối cùng thì nên vắt vào nồi nước luộc một quả chanh (hoặc dấm) để gừng được trắng hơn.

Bước 3: Vớt gừng ra rổ để cho ráo bớt nước rồi đem trộn với đường theo tỉ lệ 1kg gừng đi với khoảng 0,5 – 0,6kg đường, đảo đều. Để ngâm trong khoảng 5 – 6 tiếng hoặc đến khi đường tan hoàn toàn. Thi thoảng nên đảo đều để gừng ngấm đều đường.

Bước 4: Đặt chảo gừng lên bếp, đun ở mức lửa trung bình. Thi thoảng đảo đều cho gừng ngấm đường. Khi nước đường cạn chỉ còn sền sệt và thấy nặng tay khi đảo thì hạ lửa xuống mức nhỏ nhất.

Bước 5: Dùng đũa đảo liên tục cho đến khi đường kết tinh bám trắng vào miếng gừng và những miếng gừng tách rời nhau thì nhấc chảo gừng xuống.

Bước 6: Tiếp tục đảo đều vài lần nữa rồi để cho gừng nguội hẳn. Khi gừng nguội, cho vào lọ thủy tinh bảo quản, ăn dần nhé! Món mứt gừng cay cay này chắc chắn sẽ đem đến bạn một năm mới ấm áp!

Cất mứt gừng vào lọ kín hoặc bọc trong túi bóng để ăn dần.

Chúc bạn thành công với món mứt gừng thơm ngon trong mùa đông này nhé!

Xem thêm: Cách Làm MỨT KHOAI LANG Ngon Quá Trời Ngon Cho Ngày Tết

Cách Làm MỨT KHOAI LANG Ngon Quá Trời Ngon Cho Ngày Tết


Cách Làm MỨT KHOAI LANG Ngon Quá Trời Ngon Cho Ngày Tết - Món mứt khoai lang này dễ làm mà lại ngon, cùng làm món ngon này cho ngày Tết nhé!


NGUYÊN LIỆU LÀM MỨT KHOAI LANG:

Khoai lang: 1 kg

Đường: 500 gr

Vôi: 20 gr

Vani: 1/2 thìa cà phê.

CÁCH LÀM MỨT KHOAI LANG:
- Hòa vôi với nước, để cho nước vôi trong lại thì gạn lấy phần nước vôi trong đó.

Khoai lang gọt bỏ vỏ, cắt miếng dầy khoảng 0,3 - 0,4 cm. Ngâm khoai ngập trong nước vôi trong.
Ngâm khoảng 1 tiếng (không ngâm quá lâu sẽ làm miếng khoai trở lên rất cứng không ăn được) sau đó vớt ra xả lại với nước cho sạch mùi vôi.

- Đun sôi một nồi nước rồi cho khoai vào luộc trong khoảng 2 phút. Sau đó vớt khoai ra trộn chung với đường, cho thêm một ít nước để đường nhanh tan.

Ướp khoai với đường trong khoảng 2 - 3 tiếng.

- Đặt chảo lên bếp, cho cả khoai và nước đường vào đun sôi cho đến khi nước cạn gần hết, sau đó hạ lửa đun liu riu (nên chia khoai ra sên làm vài lần). Thi thoảng lại đảo đều để khoai ngấm đường.

- Khi thấy hiện tượng đường hơi keo lại thì dùng đũa đảo liên tục cho đường kết tinh bám đều vào khoai và miếng khoai trông khô ráo là được. Nhấc chảo khoai xuống, cho vani vào đảo đều lần nữa rồi chờ cho mứt khoai lang thật nguội thì cất vào lọ thủy tinh để bảo quản.

Sau mỗi lần sên đường thừa bám vào chảo không nên bỏ đi mà cứ để yên trong chảo rồi cho mẻ khoai mới vào sên tiếp.

Khi sên xong mẻ cuối cùng số đường thừa cũng khá nhiều chúng ta có thể cho thêm nước vào đun cho tan ra. Sau đó chúng ta ninh nhừ một ít đỗ đen và cho chỗ nước đường sên mứt thừa vào là chúng ta có thêm bát chè đỗ rất ngon rồi.

Xem thêm: Cách Làm MỨT KHOAI TÂY Ngon Cho Ngày Tết

Cách Làm MỨT KHOAI TÂY Ngon Cho Ngày Tết


Cách Làm MỨT KHOAI TÂY Ngon Cho Ngày Tết - Món mứt dễ làm mà lại ngon thích hợp cho ngày Tết để chiêu đãi bạn bè. Cùng làm món ngon này nhé!!!

NGUYÊN LIỆU LÀM MỨT KHOAI TÂY:

- Khoai tây

- Đường trắng

- Nước vôi trong

- Muối

- Vani

CÁCH LÀM MỨT KHOAI TÂY:
Bước 1: Khoai tây gọt bỏ vỏ, cắt miếng tròn dầy khoảng 0,6 – 0,8 cm. Cắt đến đâu thì ngâm ngay vào bát nước đến đó. Ngâm khoảng 20 phút để khoai khỏi thâm.

Bước 2: Dùng khoảng 20g vôi đem hòa với nước, để lắng cặn rồi gạn lấy phần nước vôi trong. Cho khoai vào bát nước vôi sao cho lượng nước ngập mặt khoai, ngâm trong khoảng 2 – 2,5 tiếng (không ngâm quá lâu khoai sẽ bị quá cứng, còn ngâm ít thời gian thì khoai dễ bị bể nát khi sên). Sau đó vớt ra xả lại vài lần với nước lã cho khoai hết mùi vôi.

Bước 3: Đun sôi một nồi nước, cho khoai vào luộc trong khoảng 5 phút rồi vớt ra để ráo.

Bước 4: Cân khoai và đường theo tỉ lệ 1kg khoai với 500 gr đường. Ướp khoai với đường trong khoảng 3 – 4 tiếng, thi thoảng bạn dùng đũa đảo đều cho khoai ngấm đường.

Bước 5: Sau khi ướp cho cả khoai và nước đường vào chảo đun trên bếp với lửa to. Đường sôi thì vặn lửa nhỏ, thi thoảng lại dùng đũa đảo đều để khoai ngấm đường.

Bước 6: Khi đường cạn và bắt đầu có hiện tượng keo lại thì dùng đũa đảo đều liên tục nhưng phải nhẹ nhàng không sẽ làm vỡ các miếng khoai.

Khi đường kết tinh bám trắng vào từng miếng khoai thì nhấc chảo khoai xuống, nhỏ vào chảo vài giọt vani, tiếp tục đảo đều trong khoảng 1 phút nữa.

Xem thêm: Cách Làm MỨT XOÀI Dẻo Ngon Tuyệt Vời Ngày Tết

Cách Làm MỨT XOÀI Dẻo Ngon Tuyệt Vời Ngày Tết


Cách Làm MỨT XOÀI Ngon Tuyệt Vời Ngày Tết - Mứt xoài dẻo đạt yêu cầu phải có màu trong hấp dẫn, dai dai, dẻo dẻo, chua chua, ngọt ngọt thơm phức.

NGUYÊN LIỆU LÀM MỨT XOÀI:

- Xoài xanh chua

- Đường cát

- Phèn chua

- Nước vôi trong

CÁCH LÀM MỨT XOÀI:

Bước 1: xoài xanh rửa sạch, gọt vỏ, xắt miếng vừa.

Bước 2: Đem ngâm xoài xanh với nước vôi trong trong khoảng 4-6h rồi vớt ra, xả lại dưới vòi nước lạnh vài lần cho hết mùi vôi.

Bước 3: Chuẩn bị nồi nước khoảng 2 lít nước và 1 thìa ăn cơm phèn chua, cho phèn vào nước cho tan hết rồi đem đun sôi.

Bước 4: nước sôi trút xoài vào trần qua trong khoảng 1 phút, đổ ra rá sạch và xả lại vài lần dưới vòi nước để hết nước phèn.

Bước 5: Xoài để ráo, đem ướp với đường theo tỉ lệ: 1kg xoài- 600gr đường, cho đến khi đường tan hết.

Bước 6: Đường tan đem sên với mức lửa nhỏ, thi thoảng đảo xoài để xoài được trong đều.

Bước 7: Miếng xoài trong, nước đường cô lại thì tắt bếp. Nếu thích ăn ướt thì sấy xoài trong tủ lạnh, hoặc muốn xoài khô hơn thì đem sấy trong lò ở nhiệt độ 100oC trong vòng 40-60 phút.

Yêu cầu thành phẩm:

Mứt xoài dẻo đạt yêu cầu phải có màu trong hấp dẫn, dai dai, dẻo dẻo, chua chua, ngọt ngọt thơm phức.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng với món mứt xoài dẻo này nhé!

Xem thêm: Cách Làm MỨT BÍ Ngon Độc Nhất Vô Nhị Cho Ngày Tết

Cách Làm MỨT BÍ Ngon Độc Nhất Vô Nhị Cho Ngày Tết


Món mứt bí do chính tay bạn làm sẽ khiến ai cũng phải trầm trồ khen ngợi và thích thú với món ngon này. Tự làm mứt bí sẽ vừa ngon mà đảm bảo vệ sinh hơn khi mua ở ngoài hàng.

NGUYÊN LIỆU LÀM MỨT BÍ:

- Bí đao
- Đường trắng
- Vani
- Phèn chua
- Nước vôi trong
- Nước hoa bưởi

CÁCH LÀM MỨT BÍ:

Bước 1: Bí đao các bạn chọn mua càng quả già càng tốt, gọt hết phần vỏ xanh cứng bên ngoài, lấy phần cùi trắng đem thái miếng.

Bước 2: Ngâm bí với nước vôi trong từ 6-8 tiếng hoặc qua đêm, chú ý lượng nước vôi phải đủ ngập mặt bí, nước vôi sẽ giúp cho món mứt có độ giòn. Sau khi ngâm xong, vớt bí ra rửa lại nhiều lần với nước rồi tải bí ra rổ, để thật ráo.

Bước 3: Cho khoảng 5 gr phèn chua vào 1.5 lít nước và vani rồi bắc nồi lên bếp đun sôi, thả bí vào chần sơ (khoảng 1-2 phút) cho bí có độ trong, đổ bí ra rổ rồi nhanh tay xả ngay với nước lạnh. Để bí ra chỗ thoáng gió khoảng 2h cho bí khô bớt.

Bước 4: Các bạn cân bí để biết lượng đường cần ướp, tỉ lệ là 100 gr bí đi với 60 gr đường. Ướp bí từ 3-4 tiếng cho đường tan hết, thỉnh thoảng các bạn đảo hoặc xóc lên cho bí ngấm đều đường nhé. Sau đó trút bí vào chảo rộng, sâu lòng và sên với mức lửa nhỏ nhất, ban đầu nước bí tiết ra khá nhiều nên các bạn không cần đảo nhiều.

Bước 5: Dần dần nước đường bắt đầu cạn, lúc này cần chú ý đảo bí thường xuyên và nhỏ 1 chút nước hoa bưởi vào cho thơm.

Khi mứt đảo thấy nặng tay và đường bắt đầu có hiện tượng kết tinh thì các bạn bắc chảo xuống, đảo liên tục cho đường khô trắng lại, nếu đường vẫn còn hơi ướt thì các bạn lại bắc chảo lên bếp và đảo đến khi đường khô hẳn.

Bước 6: Để mứt bí ra chỗ khô thoáng, đợi mứt thật nguội mới cất vào các lọ đựng, đậy nắp kín. Hi vọng dịp Tết Nguyên Đán này gia đình bạn sẽ vui hơn với các loại mứt Tết do chính tay bạn làm.

Cách Làm MỨT HẠT SEN Ngon Cho Ngày Tết


Mứt hạt sen có lẽ là loại mứt sang nhất và được rất nhiều người ưa thích. Bạn có thể dễ dàng tự làm món ngon này ở nhà cho gia đình cùng thưởng thức vào dịp Tết. Cách làm mứt hạt sen không khó.

NGUYÊN LIỆU LÀM MỨT HẠT SEN:

- Hạt sen khô: 100g

- Đường: 100-120g

- Vani hoặc nước hoa bưởi

CÁCH LÀM MỨT HẠT SEN:

Bước 1: Hạt sen đãi sạch ngâm nước trong 3-4h cho hạt sen nở hoàn toàn, thường hạt sen khô ngoài hàng đã thông tâm, bỏ sạch lớp vỏ lụa ngoài (nếu chưa thì sau khi luộc xong bạn chú ý bỏ). Cho hạt sen vào nồi luộc chín nhừ, xóc hạt sen qua nước lạnh, để ráo nước.

Bước 2: Trộn hạt sen với đường, để đậu ngấm trong 5h hoặc qua đêm, như vậy đường sẽ ngấm vào từng hạt, hạt sen sau khi ngâm sẽ trong hơn.

Bước 3: Cho nồi hạt sen đã ngâm sên với lửa nhỏ, đảo đều đến khi hạt sen khô dần, cho vani hoặc hương hoa bưởi vào nếu thích.

Bước 4: Khi hạt sen đã khô, đường bám đều bên ngoài hạt sen, đổ hạt sen ra mâm cho nguội hẳn.

Sau đó bảo quản mứt hạt sen trong gói hoặc hộp kín.

Mứt hạt sen thích hợp làm quà hoặc mời khách đến chơi nhà trong những ngày Tết.

Chúc bạn thành công với món mứt hạt sen!

>>>XEM THÊM: Cách làm MỨT BƯỞI Ngon Nhất Hiện Nay Cho Ngày Tếticon new flashing Lịch khai giảng

Thịt chân giò ngâm mắm

Chắc chắn ai cũng sẽ mê món thịt chân giò ngâm mắm này trong bữa cơm ngày Tết. Hãy làm phong phú thực đơn các món ngon để đãi khách nhân dịp năm mới các chị em nhé.
Nguyên liệu:

- Thịt chân giò: 2 cái (khoảng 700 gr)
- Tỏi, ớt, đường, mắm, tiêu hạt, hành khô.
Thực hiện:

Bước 1: Thịt chân giò làm sạch, dùng chỉ quấn quanh để bó chặt thịt chân giò lại (càng quấn chặt tay càng tốt).
Bước 2: Đổ nước ngang mặt thịt, cho lên bếp đun sôi. Vớt thịt ra rửa cho sạch bọt bẩn. Cho nước mới vào luộc thịt sôi khoảng 25 phút với một ít gia vị, hạt nêm và 1 củ hành đập dập. Sau đó vớt ra ngâm vào bát nước đá cho đến khi thịt thật nguội.
Bước 3: Pha 450 ml nước mắm với 150 ml nước lọc và 400gr đường. Cho lên bếp đun sôi lăn tăn, vừa đun vừa quấy đều cho đường tan, sau đó thả ớt, tỏi và tiêu hạt vào, tắt bếp, để cho thật nguội.
Bước 4: Cho thịt vào lọ thủy tinh, đổ hỗn hợp nước mắm ngập mặt thịt. Đậy kín lắp lọ rồi cất nơi thoáng mát khoảng 4-5 ngày là ăn được.
Khi thịt đã ngấm mắm, thì vớt ra cho vào tủ lạnh để bảo quản và ăn dần.
Chúc bạn thành công và ngon miệng với món thịt chân giò ngâm mắm!

Lưu ý:

- Lọ thủy tinh cần phải thật sạch, nên luộc qua và phơi khô để tránh việc khi ngâm chân giò, nước ngâm sẽ bị nổi váng và nhanh hỏng.

- Nếu cẩn thận hơn thì sau khi ngâm thịt với mắm được 1 ngày. Đổ nước mắm ra và đun sôi lăn tăn lại, để cho thật nguội và lại đổ vào thịt để ngâm.

Thùy Nguyễn(Eva.vn)

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Bluehost