Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Cách nấu Cháo cá chép

Cách nấu cháo cá chép ngon đúng cách không chỉ giúp món cháo không bị tanh, giúp bồi bổ sức khỏe, đặc biệt là cho bà bầu an thai.

Cháo cá chép có hương vị thanh ngọt, cháo bổ dưỡng, giúp xương chắc khỏe, da dẻ hồng hào. Hãy cùng xem cách nấu cháo cá chép ngon mà không bị tanh để bồi bổ sức khỏe nhé.
cach-nau-chao-ca-chep-nl

Nguyên liệu nấu cháo cá chép

  • Cá chép: 1 con to khoảng 1kg
  • 1/2 bát con gạo tẻ
  • 1 nắm gạo nếp
  • Gia vị: nước mắm ngon, muối, tiêu, hành khô, gừng, thì là, hành lá.

Cách nấu cháo cá chép

Để nấu cháo cá chép ngon thì yêu cầu cá chép phải chọn con to để thịt cá chép vừa ngon và ngọt thịt lại đỡ xương nhỏ. Gạo trộn lên, đem ngâm nước.
Sau khi mua cá chép về, làm sạch vảy, bỏ mang, bổ bỏ ruột, cạo sạch màng đen trong bụng cá (bước này giúp món cháo cá không bị tanh). Đem sát muối gừng trong bụng cá và quanh thân cá để khử sạch mùi tanh.
Chuẩn bị 1 nồi nước, cho vài lát gừng thái mỏng hoặc gừng băm vào, đun sôi nước gừng rồi thả cá chép vào luộc chín. Trong quá trình luộc thả vài nhánh thì là vào để thịt cá thơm hơn.
Cá chín đem vớt ra để nguội, sau đó gỡ lấy thịt cá bỏ riêng, ướp với tiêu và nước mắm ngon để cho thấm.
Phần xương và đầu cá đem giã nhỏ, hòa với nước rồi lọc lấy nước để lấy nước cốt cùng với nước luộc cá để nấu cháo, bỏ bã xương. (Cách nấu cháo cá chép với nước cốt cá này giúp cháo ngọt và ngon hơn thay vì phải hầm nước xương ngoài)
Cho chảo lên bếp, cho dầu vào đun nóng rồi cho hành vào phi thơm, cho thịt cá vào xào cho săn, đảo nhẹ tay để thịt cá không nát mà vẫn thấm đều gia vị, các bạn xào khoảng 2-3 phút là có thể tắt bếp.
Tùy theo các bạn thích ăn cháo để từng miếng thịt cá hay là cháo có đều thịt cá để xào và đảo thịt cá nhé (muốn thịt cá đều với cháo các bạn xào đảo mạnh tay để thịt cá vụn và bé hơn).
Gạo sau khi ngâm đem vo lại cho sạch, cho vào nước cốt để nấu cháo, nêm khoảng 1/2 muỗng cafe muối rồi đem nấu thành cháo. Bạn có thể dùng nồi cơm điện để nấu cháo cho tiện nhé. Tùy sở thích ăn cháo đặc hay loãng để điều chỉnh lượng nước cho nồi cháo của mình nhé.
Nếu thích bạn có thể cho thêm đỗ xanh bỏ vỏ vào nấu cháo cùng để tăng thêm dĩnh dưỡng cho món cháo cá chép.
chao-ca-chep
Sau khi cháo được nêm nếm gia vị lại lần cuối, khi ăn các bạn cho cháo nóng ra bát, rắc thì là, hành lá thía nhỏ lên cùng thịt cá chép xào cùng hạt tiêu là có thể thưởng thức được rồi.
Một số cách nấu cháo cá chép khác
  • Lọc thịt cá khi đang sống sau đó xào khéo rồi thả vào xoong cháo ninh nhừ
  • Cho cả con cá chép vào ninh cháo cho đến khi gạo nhừ…
Với cách nấu cháo cá chép này, bà bầu sẽ có một món ăn ngon giúp bổ xung dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe của cả mẹ và con.

Chúc các bạn học nấu ăn thành công với món cháo cá chép.

Cảnh giác với loại đường thơm, vàng óng

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng quản lý thị trường đã xử lý và bắt giữ các cơ sở chế biến đường bằng phẩm màu, hóa chất độc hại axít photphoric khiến nhiều người lo ngại. Liệu loại đường hóa chất đó độc hại đến mức nào?

Dùng axít để tạo màu cho đường

Nắm bắt thị hiếu khách hàng ngày càng tỏ ra thích thú với loại đường vàng óng và có mùi thơm lạ, nhiều cơ sở sản xuất đã bất chấp sản xuất đường với các loại axít hóa học, chất tẩy rửa bị cấm sử dụng trong thực phẩm để tạo màu đẹp, tăng trọng lượng.

Trước đó, ngày 17/5, lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận đã bất ngờ kiểm tra một cơ sở sản xuất ở phường Đức Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận và bắt quả tang cơ sở này đang sản xuất đường có màu vàng bằng hóa chất độc hại. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 150kg đường màu vàng, 18kg axít photphoric, phẩm màu.

Khi chế biến, cơ sở này trộn đường cát trắng cùng với axít photphoric, nước và hóa chất màu đỏ chưa rõ nguồn gốc rồi cho vào máy trộn để đường có trọng lượng nặng hơn, màu sắc hấp dẫn hơn. Sản phẩm này được bán ra thị trường với giá 15.500 đồng/kg.

Gần đây nhất, lực lượng chức năng thuộc UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP.HCM), bất ngờ vào kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh đường  ở phường Hiệp Bình Chánh. Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở này dùng máy trộn bê tông để trộn đường và phát hiện một số can, thùng chứa nước màu. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ máy trộn bê tông và một số mẫu đường để kiểm tra.
Trước những thông tin này, nhiều người vô cùng lo ngại việc ăn phải loại đường này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, ĐHKHTN– ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, axít photphoric được chia thành 2 loại. Khi sử dụng trong thực phẩm phải dùng axít photphoric tinh khiết, hay dùng để xử lý dầu ăn tinh luyện nhưng sau đó phải lọc sạch thực phẩm. Hoặc khi được tinh chế sạch thành một dạng muối phốt phát vẫn được dùng trong thực thẩm như thuốc dạ dày có dùng nhôm phốt phát vì đây là yếu tố cần thiết cho cơ thể.

Còn loại axít photphoric công nghiệp chuyên dùng để tẩy rửa, sản xuất phân bón, thức ăn gia súc. Nó cũng được làm chất xúc tác trong tổng hợp hữu cơ, chất tẩm gỗ chống cháy, chất chống ăn mòn kim loại… Việc dùng axít công nghiệp để làm vàng đường là điều cấm kỵ, không được phép bởi nó ẩn chứa nhiều nguy cơ độc hại cho cơ thể người sử dụng. Trong loại axit photphoric công nghiệp còn chứa nhiều tạp chất kim loại độc hại khác, không nằm trong danh mục thực phẩm cho phép như asen là chất độc hại cho thần kinh. Chất này sẽ tích lũy trong cơ thể lâu, gây ra nhiều bệnh khó chữa.

Còn theo ThS Cao Xuân Thủy (Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TPHCM), việc sử dụng đường có chứa dung lượng axít photphoric trong một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột của người sẽ bị tiêu diệt, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa.

Cách nhận diện đường trộn axít

Về cách nhận biết đường có chứa axít photphoric, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, quá trình vàng hóa của đường trắng sang đường vàng khi sử dụng axít photphoric là sự thủy phân một bề trên bề mặt tinh thể đường. Màu đường lúc này sẽ hơi vàng, có sự óng ánh rất bắt mắt bởi đó là các tinh thể. Vì vậy, khi mua người tiêu dùng không nên chọn hạt đường có màu vàng sáng óng ánh, bởi nguy cơ loại này đã bị nhuộm màu. Đường hoa mai có hương vị mật mía, thơm, hơi đục chứ không trong veo, óng ánh. Khi pha nước, loại đường có axít không có mùi thơm mà khét.

Mọi người cũng có thể để đường ở ngoài nắng, nếu thấy đường óng ánh một cách bất thường có nghĩa đường có chứa nhiều axít photphoric. Còn đường được xử lý, loại bỏ hết dung lượng hóa chất thì thường không óng ánh.

Để tránh nguy hại sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo, cũng như tất cả các loại thực phẩm khác, người tiêu dùng không nên chọn những sản phẩm không có nguồn gốc mà nên sử dụng những loại đường có nhãn mác, với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để an tâm về chất lượng.

Theo Hà My (Gia đình & Xã hội)

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

PHỞ CHAY


Rằm Phật Đản rồi ăn chay thôi nhé . Nấu phở chay kiểu này coi bộ dễ dàng, nhanh và nước dùng rất ngọt. Từ ngày học được tips hầm nước dùng từ củ cải trắng của Tony đẹp trai trong trang Tnbs, mình kết cách này luôn và hay áp dụng cho các món nước khi cần. Cũng đã từng chia sẽ tips này ở đây nhưng hôm nay viết chi tiết hơn. Và nước dùng lần này chỉ dùng hoàn toàn bằng củ cải thôi mà nước rất ngọt.  

Nguyên liệu :
- 3 lbs củ cải trắng 
- 2 củ hành tây 
- 1 lóng gừng cỡ 2 ngón tay 
- Gia vị nấu phở : 5 hoa hồi, 1 thanh quế cỡ 2 đốt lóng tay . Tất cả được rang sơ cho thơm.
- 1 lb nấm đông cô tươi 
- 1/2 lb thịt bò khô chay 
- Bánh phở 
- Rau quế, giá, ngò, tương đen, tương đỏ, chanh, ớt.
Cách nấu :
- Củ cải trắng, hành tây, gừng cho lên bếp nướng sơ, gọt vỏ rồi hầm chung với ít muối và đường phèn để lấy nước dùng. Củ cải nướng chín ( trước khi hầm ) sẽ tạo ra phản ứng hoá học tạo ra hợp chất Natri Glutamate, sẽ làm cho nước dùng ngọt hơn và không làm cho nồi nước dùng hăng mùi củ cải. Đó cũng là lý do mà trước đây mình ít khi dùng củ cải để làm ngọt nước, còn bây giờ thì yên tâm rồi ...hihihi...

- Nấm đông cô ( or nấm rơm tuỳ thích ) rửa sạch qua nước muối loãng xào với ít hạt nêm nấm cho thấm gia vị. 
- Thịt chay ngâm với nước nóng cho mềm, rửa xả sạch hết mùi thực phẩm khô. Xào thịt chay với hạt nêm nấm, nước tương.
- Nồi nước dùng sau khi hầm khoảng 1- 2 hrs lọc lấy khoảng 2.5 lít nước dùng, thì cho nấm đã xào vào và nêm nếm lại cho vừa ăn. 
- Cách dùng : Cho phở đã chần sơ qua nước sôi vào tô, xếp thịt chay lên trên mặt , chan nước dùng và ít nấm vào. Nêm ngò cắt nhỏ. Dùng nóng với giá , rau quế, tương đen và tương ớt đỏ. 

Dạ dày heo trộn chua cay

Dạ dày trộn chua cay giòn giòn vô cùng hấp dẫn, đảm bảo các anh chồng sẽ thích mê. Những món ăn chế biến từ dạ dày heo rất hấp dẫn , ai cũng ăn được và nhất là uống với bia lạnh vào những ngày nóng bức 40 độ như thế này thì quá tuyệt.
Nguyên liệu:

- Dạ dày: 1 cái
- Hành tây: 1 củ vừa
- Chanh tươi: 1-2 quả
- Rau răm: 1 ít
- Sa tế; xì dầu
- Ớt: 1-2 quả.
Cách làm:

Bước 1: Dạ dày làm sạch (để dạ dày không có mùi hôi, ngoài việc dùng chanh hoặc giấm để rửa bạn có thể cho dạ dày lên 1 cái chảo khô, lộn phần dạ dày bên trong và áp chảo khoảng 2-3 phút sau đó rửa lại, như vậy dạ dày của bạn sẽ sạch không còn mùi hôi nữa). Cho dạ dày vào nồi cùng vài lát gừng luộc chín, vớt dạ dày ra ngâm dạ dày vào âu nước có vài viên đá lạnh để dạ dày được trắng.
Bước 2: Thái dạ dày thành từng miếng vừa ăn.
Bước 3: Rau răm, hành tây rửa sạch, rau răm thái nhỏ, hành tây tước vỏ ngoài thái lát mỏng. (Để hành tây bớt hăng bạn có thể ngâm hành tây vào âu nước lạnh nhé).
Bước 4: Cho dạ dày vào âu sạch, cứ 1 lớp dạ dày ta thêm một lớp hành tây, rau răm, vài lát ớt.
Bước 5: Tiếp đó là 3 thìa canh nước cốt chanh.
Bước 6: Cuối cùng là 1 thìa sa tế, 3 thìa xì dầu. Trộn đều hỗn hợp.
Bước 7: Cho dạ dày trộn ra đĩa. Vị chua chua, cay cay và giòn giòn của dạ dày, hành tây sẽ làm bữa cơm gia đình bạn thêm hấp dẫn.

Chúc bạn thành công với cách làm dạ dày trộn chua cay ngon miệng cho cả nhà nhâm nhi!

Theo Hương Quý (Khám phá)

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

MÌ TƯƠNG ĐEN ( JAJANGMYEON )


Món mì tương đen bằng mì gói này lần trước đến nhà em được em làm cho ăn thử, cũng là lần đầu tiên thưởng thức. Chứ thường đi ăn nhà hàng Korean, chỉ ăn các món khác chứ chưa bao giờ order món mì tương đen này vì nhìn thấy đen thui không có gì hấp dẫn. Lần đó được Em cho ăn thì cũng ăn vậy thôi chứ cũng không thấy có gì hấp dẫn cả. Cho đến khi về lại nhà thì tình cờ cô cháu gái có nhắc đến món mì này hỏi nhà mình có không, còn nói là " I love that noodle ". Thế là đi chợ mua về để đó cô cháu có ghé thì có mà thưởng thức. 

Rồi tiện tay mua luôn bịch mì tươi và gói sauce về thử nghiên cứu luôn. Cách làm thì theo lời giới thiệu của Em mình cũng làm theo cách của Phương luôn. 

Thành quả cho ra thì cọng mì tươi dĩ nhiên là ngon hơn mì gói rồi. Nhưng chắc có lẽ do chan nước sauce nhiều quá hay sao mà ăn ngán quá ....hihihi....

Nếu ai thích khẩu vị hơi ngọt 1 tí thì món mì này sẽ rất ngon và hợp. 


Lưu ý khi ăn một số trái cây mùa hè

Đây đều là những loại trái cây rất phổ biến trong mùa hè được nhiều người yêu thích. Nhưng bạn không nên quá vô tư khi nghĩ ai cũng có thể ăn được những loại trái cây này.

Quả mận

Mận là một trong những loại trái cây phổ biến trong mùa hè nhưng bạn cũng không nên ăn chúng quá nhiều.
Theo thông tin trên Trí thức trẻ, mận có thể tăng rủi ro cho thận và sỏi thận do chứa nhiều chất oxalate. Khi ăn quá nhiều mận, mức oxalate có thể tập trung, cản trở hấp thu canxi trong cơ thể và kết quả là dẫn đến kết tủa canxi trong thận, dẫn đến hình thành sỏi nhỏ hoặc thậm chí lớn trong thận và bàng quang.

Ngoài ra, bạn không nên ăn mận vào lúc đói vì mận có tính axit cao có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày.

Dưa bở

Tuy dưa bở có tác dụng giải nhiệt, giải khát, lợi tiểu. Tuy nhiên, cần lưu ý là, do dưa bở tính hàn, nên những người bị ho ra máu, tim mạch, viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm ruột mãn tính, tỳ vị hư, đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, đi tiểu nhiều lần, cần thận trọng khi ăn loại dưa này hoặc tốt nhất nên tránh ăn vì có thể làm cho bệnh nặng hơn.
Ngoài ra, người bình thường cũng không nên ăn quá nhiều dưa bở, bởi vì loại quả này nhiều nước, ăn nhiều sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, dẫn tới đau dạ dày, khó tiêu hoặc đau bụng tiêu chảy.

Quả vải

Vải có vị ngọt thơm ngon, đặc biệt là vải thiều, bởi nó giàu đường, protein, vitamin, chất béo, axit citric, pectin, phốt pho và sắt… và còn là lại quả rất có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, vải lại có tính nóng, chứa nhiều đường, những người máu nóng, nhiệt miệng không nên ăn nhiều, nếu không sẽ dẫn tới các phản ứng xấu như tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, chân tay bủn rủn…

Quả sầu riêng

Sầu riêng là loại quả chứa hàm lượng protein, glucid, lipid cao hơn rất nhiều so với các loại trái cây khác, có tác dụng kích thích, tăng cường khả năng sinh dục, lọc máu và trừ được giun sán.
Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều sầu riêng (trên 150gr/ngày) vì sẽ gây bứt rứt trong người, dễ sinh mụn nhọt. Đặc biệt, bạn không nên ăn sầu riêng khi uống bia rượu vì dễ sinh nhiệt.

Quả dứa


Dứa là loại thực phẩm rất được ưa chuộng trong mùa hè vì nó có vị ngon, ngọt và chứa nhiều dinh dưỡng. Tuy nhiên, báo Chất lượng Việt Nam cho hay, khi ăn quá nhiều dứa trong vòng một ngày, đặc biệt là lúc đói, các axit hữu cơ và một số enzym sẽ làm tiêu protein, tác động vào niêm mạc dạ dày, ruột, gây nôn nao, khó chịu, thậm chí gây viêm loét niêm mạc dạ dày, còn có thể dẫn đến dị ứng dứa.
Bên cạnh đó, không nên ăn dứa chưa chín hoặc uống nước ép dứa chưa chín rất nguy hiểm. Vì trong trạng thái này, dứa vô cùng độc hại với con người và có thể dẫn đến tiêu chảy nặng và nôn mửa.

Nước dừa

Theo Đông y, nước dừa có vị ngọt, không độc, có tác dụng ích khí, tiêu phù thũng (giảm phù), trừ hoắc loạn (tiêu chảy, giải nhiệt độc). Tuy nhiên, nước dừa có nhiều thấp khí, thường gây trở ngại cho hoạt động của tạng tỳ. Do đó, uống quá nhiều nước dừa hoặc uống vào lúc cơ thể suy yếu sẽ gây ra rối loạn chức năng hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể.
Ngoài ra, không nên uống nước dừa khi đang đói, mệt, sốt, ớn lạnh. Những người thuộc chứng âm hư (da xanh tái, tay chân lạnh, ăn ít, dễ bị tiêu chảy, người nặng nề, tay chân bải hoải…). Người bị chứng ho suyễn, vừa mới đi ngoài trời nắng, không nên uống nước dừa.

Quả đào
Đào là một loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, nó chứa các thành phần như protein, chất béo, đường, canxi, phốt pho, sắt, vitamin B, C. Hơn nữa, đào còn rất giàu hợp chất carbonhydrate, có thể cung cấp nhiều calo và nước cho cơ thể, mang lại cảm giác mát mẻ, sảng khoái cho con người.

Tuy nhiên, đào tính ôn, ăn nhiều sẽ gây hại cho dạ dày dẫn tới đầy hơi, tức ngực. Những người có chức năng dạ dày kém, người già và trẻ nhỏ không nên ăn nhiều.

Theo Mạc Nhiên (Đời sống & Pháp luật)

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Ai không nên ăn Vải Thiều?

Theo nghiên cứu, vải thiều có hàm lượng đường cao, giàu acid hữu cơ, các muối khoáng Ca, Fe, P, các vitamin B1, B2,... Vì vậy, loại quả này còn được dùng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, trong cùi quả vải thiều có nhiều đường glucoza, nếu ta ăn nhiều một lượng lớn vải tươi một lúc có thể khiến lượng lớn đường glucoza vào máu vượt quá khả năng hấp thu chuyển hóa của gan.

Do đó, các chuyên gia y tế khuyên một số đối tượng người tiêu dùng không nên ăn nhiều vải thiều.

Người bị tiểu đường

Vải thiều không phải là hoa quả được khuyến khích cho người bệnh tiểu đường. Báo Chất lượng Việt Nam cho biết, sách thuốc cổ có ghi: “Thường xuyên ăn vải sẽ bổ não, ích trí, khai vị, lợi tỳ, rất tốt cho người mới ốm dậy, suy nhược, gầy yếu; dưỡng da làm đẹp nhan sắc, chữa được nhiều bệnh…”.
Tuy nhiên, vì hàm lượng đường cao nên ăn nhiều dễ làm tăng đường huyết nhanh, điều này rất không có lợi cho những người bị bệnh tiểu đường.

Người máu nóng, nhiệt miệng…

Vải thiều là loại hoa quả nổi tiếng có tính nóng. Khi cơ thể bị nóng trong, ăn vải thiều sẽ khiến mụn hay những vết ban đỏ xuất hiện, thậm chí sẽ dẫn tới các phản ứng xấu như tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, chân tay bủn rủn.
Ngoài ra, những người có các bệnh dễ nhiễm cảm, người đang mắc bệnh có đờm, người đang bị thủy đậu, mụn nhọt,  rôm sảy, chắp lẹo mắt … cũng nên hạn chế mức tối đa việc ăn vải thiều.

Thai phụ từng mắc chứng tiểu đường, thừa cân

Theo kinh nghiệm của người xưa thì vải là loại quả ngọt, ăn vào giúp cho dung nhan đẹp hơn. Tuy nhiên, không nên vì thế mà chị em ăn vải một cách thoải mái, “vô tội vạ” bởi quả vải có hàm lượng đường rất cao, không tốt cho những thai phụ đã từng mắc bệnh tiểu đường cũng như chứng thừa cân.
Bên cạnh đó, vải còn có tính nóng nên bà bầu cần hạn chế, không nên bổ sung quá nhiều vào cơ thể.

Trẻ em

Vải là loại hoa quả ngọt, dễ ăn, có tác dụng chữa bệnh tốt. Tuy nhiên, Báo Đất Việt cho hay, không nên ăn quá nhiều trong một lúc, có thể gây nóng, rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, gây hiện tượng dị ứng.

Đặc biệt, với trẻ em, hệ tiêu hóa còn yếu, dó đó bạn cần cho bé ăn một lượng vừa phải, không nên chiều con mà để bé ăn quá nhiều khiến bé bị bệnh. Mỗi lần chỉ nên cho bé ăn khoảng 100g vải tươi (khoảng 5 - 6 quả).

Lưu ý: Người bình thường không ăn quá nhiều vải

Quả vải bổ sung một lượng nước cho cơ thể, có lợi cho dạ dày. Tuy nhiên, vải thiều được xếp vào những loại quả không nên ăn nhiều vào mùa hè, ngay cả đối với người bình thường.
Bởi trong cùi quả vải thiều có nhiều đường glucoza, nếu ta ăn nhiều một lượng lớn vải tươi một lúc có thể khiến lượng lớn đường glucoza vào máu vượt quá khả năng hấp thu chuyển hóa của gan. Khi lượng đường glucoza tăng đột biết, cơ thể phản ứng, tiết insulline tăng lên để làm hạ nồng độ đường trong máu xuống, gây phản ứng đường máu thấp còn gọi là triệu trứng "say vải". Biểu hiện thường gặp là váng đầu, buồn nôn, ra mồ hôi lạnh, nóng trong người khiến nổi nhiều mụn…

Theo Mạc Nhiên (Đời sống & Pháp luật)

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Cách nấu chè hoa cau

Cách nấu chè đậu xanh (hay chè hoa cau) là một trong những món giải khát mùa hè được yêu thích, tuy nhiên cách nấu chè lại khá dễ dàng.

Nguyên liệu nấu chè đậu xanh:
  • Đậu xanh bóc vỏ: 100g
  • Đường tùy khẩu vị
  • Bột năng: 40g cho khoảng 1 lít nước
  • Muối: 1/2 muỗng cafe
  • Ăn kèm: Dừa nạo, nước cốt dừa, thạch, nước hoa bưởi hoặc tinh dầu chuối (không bắt buộc)

Cách nấu chè đậu xanh

  • Đầu tiên cho đậu xanh vào ngâm với nước trong khoảng 30 phút cho đậu mềm, sau đó vớt ra rửa sạch.
  • Cho đậu xanh vào hấp chín với lửa lớn trong khoảng 20 phút, hoặc đến khi đậu chín mềm, hơi miết 1 chút là đậu đã nát mịn là được.
  • Cho 1l nước vào xoong, cho đường vào cùng với bột năng, muối. Khuấy đều và đun với lửa lớn vừa, khi cho bột năng bạn bắt đầu khuấy đều tay luôn để bột tan đều và không bị vón cục. Trong trường hợp không có bột năng bạn có thể thay bằng bột sắn nhé.
  • Đun lửa vừa và khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp trong và đặc lại là được, tắt bếp.
  • Cho đậu xanh đã hấp vào hỗn hợp vừa đun xong (bạn có thể để nguyên hoặc hơi miết qua cho đậu tơi hơn), khuấy đều cho hỗn hợp hòa quyện với nhau.
cách nấu chè đậu xanh
  • Cho chè ra cốc hoặc bát rộng (dùng cốc thủy tinh trình bày sẽ đẹp và hấp dẫn hơn), thêm nước cốt dừa, dừa nạo hoặc dừa khô, thạch, chân châu... nếu thích, thêm vài giọt nước hoa bưởi hoặc tinh dầu chuối là bạn có thể thưởng thức được rồi ^^

Cách nấu chè đậu xanh (chè hoa cau) khá dễ dàng nhưng đây là một món giải khát rất mát và tốt cho mùa hè, hãy học cách nấu để cả gia đình thưởng thức nhé :D

Cách làm bún riêu cua Việt Nam

Bún riêu cua là một món ăn dân dã được nhiều người yêu thích, món ăn quen thuộc và dễ ăn này thường được nhiều gia đình làm vào dịp cuối tuần, nó cũng là món quà sáng được khá nhiều người lựa chọn hàng ngày.

Cùng học cách làm bún riêu cua để nấu cho gia đình mình nhé.

Nguyên liệu cho món bún riêu cua:

  • 1kg cua đồng (hoặc hộp thịt cua)
  • Cà chua: 3-4 quả
  • Hành tím, hành lá
  • Đậu phụ: 4 bìa
  • Gia vị: mắm tôm, nước mắm, dấm bỗng hoặc mẻ, nước me
  • Bún
  • Rau ăn kèm: rau muống chẻ, xà lách, rau mùi, hoa chuối thái nhỏ

Cách nấu bún riêu cua

- Nếu mua cua sống về cần ngâm nước có pha chút muối cho cua nhả hết bùn, rửa sạch rồi làm lấy gạch và giã/xay để lấy thịt cua. Nếu các bạn dùng thịt cua hộp hoặc mua cua làm sẵn thì bỏ qua bước này :D
- Thịt cua cho vào lọc, bỏ bã. Cho vào nồi với 1 chút muối rồi đem đun với lửa nhỏ để làm nước dùng. Cần cho muối và đun với lửa nhỏ để giúp thịt cua đông lại. Khi nước sôi, tảng thịt cua chín và nổi lên trên thì nhẹ nhàng vớt ra, để riêng.
- Các loại rau ăn kèm nhặt, rửa sạch, ngâm nước muối loãng 15 phút rồi vớt ra để ráo.
- Đậu phụ cắt nhỏ, cho vào chiên vàng rồi vứt ra để ráo dầu.
- Cà chua thái múi cau, hành tím thái nhỏ, hành lá thái nhỏ.
- Cho hành tím vào chảo phi thơm, chia làm 2 phần, 1 phần để riêng, 1 phần vẫn giữ trong chảo và cho gạch cua vào phi lên cho thơm, tiếp đó cho cà chua vào xào chín lấy màu.
- Trút hết cà chua xào vào nồi nước dùng, tiếp đó nêm gia vị: nước nắm, bột canh, mắm tôm, dấm bỗng (mẻ hoặc nước me, mẻ thì cần lọc) cho vừa ăn. Đun sôi nước dùng, vậy là cơ bản chúng ta đã xong món bún riêu cua.
cách nấu bún riêu cua
Cho bún vào bát, cho đậu phụ, thịt cua, hành lá thái nhỏ rồi chan nước dùng lên, rắc thêm hành phi vào nữa rồi thưởng thức cùng với rau sống ăn kèm thôi ^^
Lưu ý:
  • Để để có dùng ngon hơn các bạn có thể cho tôm khô bóc vỏ vào nấu cùng hoặc dùng nước hầm xương
  • Nếu dùng thịt cua đóng hộp, các bạn có thể trộn cùng với thịt xay rồi chia thành các miếng nhỏ thả vào nồi nước dùng đang sôi, đợi chúng chín rồi vớt ra để riêng giống như thịt cua (do thịt cua đống hộp khi nấu như thịt cua giã không kết tủa nên chúng ta dùng cách này để bát bún riêu ngon và đẹp hơn)
  • Phân gạch cua phi các bạn có thể bỏ riêng không xào cùng cà chua, đến khi ăn cho vào từng bát bún sẽ làm tăng hương vị của món bún riêu hơn (phần gạch cua phải nhiều :P )

Chúc các bạn nấu ăn thành công với món bún riêu cua nhé ^^

Muối dưa trong bình nhựa có hại không?

Dùng bình nhựa muối dưa có an toàn?

Dưa muối là món ăn có mặt thường xuyên trong các gia đình vào ngày hè nóng. Món ăn này có tác dụng kích thích tiêu hóa và bổ sung các vi sinh vật có lợi cho hệ thống tiêu hoá của con người như lactobacilli, acidophilus và plantarum. Dưa muối khi kết hợp với các sản phẩm giàu đạm sẽ tạo cảm giác ngon miệng.

Tuy nhiên, nếu không chế biến và ăn dưa muối đúng cách sẽ dẫn tới nguy cơ ngộ độc. Bên cạnh đó, nhiều người còn lo lắng trước những thông tin muối dưa trong bình nhựa sẽ gây ung thư hay gây mầm bệnh. Vậy thực hư trước điều này như thế nào?
Theo Tiến sĩ Lâm Văn Mân – Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ (Viện an toàn thực phẩm) cho biết: Nhựa dùng để muối dưa không vấn đề nhưng với điều kiện bình nhựa đó phải đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, nhiều người dân dùng thùng đựng sơn để muối dưa chua thì cực kì nguy hiểm. Lý do là hai loại bình này tiêu chuẩn khác nhau.

Nhựa của bình đựng sơn có hàm lượng kim loại nặng sẽ cao. Kim loại nặng ở đây gồm các chất như chì, cadimi, asen... Khi muối dưa sẽ nhiễm ra nước muối dưa và ngấm vào sản phẩm. Điều này rất độc hại với người ăn, dễ gây bệnh đường ruột hoặc nặng nhất là ung thư nếu ăn thường xuyên và ăn với số lượng nhiều.

Ngoài ra một số người thắc mắc về nguyên nhân dẫn đến những vụ ngộ độc thực phẩm (dưa muối, cà muối xổi) thời gian gần đây, tiến sĩ cho biết nguyên nhân là do:

- Nguyên liệu không đủ sạch để muối dưa.

- Trong quá trình nuôi trồng, người sản xuất sử dụng quá nhiều chất bảo quản thực vật sẽ gây độc.

- Thời gian muối dưa, ủ dưa chưa đủ để diệt những vi khuẩn gây bệnh.

Những lưu ý khi ăn dưa muối

Tiến sĩ Mân cũng lưu ý thêm về cách muối dưa an toàn, đảm bảo vệ sinh:

- Trước khi muối dưa phải rửa sạch từ  nguyên liệu từ 1-2 giờ, sau đó ngâm trong nước muối loãng từ 15-30 phút.
- Tuyệt đối không ăn dưa muối để lâu, xuất hiện nấm mốc trên bề mặt. Nếu quan sát bằng mắt thường, thấy váng hay cặn nổi trên bề mặt cũng không ăn.

- Tránh ăn dưa có màu xỉn hay có mùi lạ.

- Những người có bệnh tim, cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, viêm loét dạ dày không nên ăn dưa muối chua vì chúng chứa nhiều muối, men tiêu hoá cao, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Theo Tuệ Linh (Khám Phá)

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Gỏi xoài Mực khô dễ làm

Món gỏi xoài trộn mực khô vừa thơm ngon, lạ miệng, đem lại cảm giác thú vị khi thưởng thức. Mùa hè mà có món này để nhậu với bia thì cả nhà ai cũng thích. Thời gian làm cực ngắn và dễ dàng khiến cho món ăn càng được ưa chuộng.
Nguyên liệu:

- 1-2 quả  xoài xanh
- 1 con mực khô
- Rau húng thơm, hành khô, quả ớt tươi.
- Lạc rang chín
-1 quả chanh
- Gia vị: Đường, mì chính, nước mắm.
Cách làm:

Bước 1: Rau húng thơm rửa sạch, thái nhỏ. Hành khô bóc vỏ rửa sạch phi thơm, lạc rang chín bỏ vỏ, giã nhỏ.
Bước 2: Xoài gọt vỏ, bào sợi đựng vào âu sạch.
Bước 3: Mực khô kẹp vỉ nướng trên than hoa hoặc bếp ga.
Gói mực vào giấy sạch dùng chày đập cho mềm, sau đó tước nhỏ và chao qua dầu ăn để mực được giòn.
Bước 4: Pha nước mắm trộn gỏi gồm: 2 thìa canh nước mắm + 2 thìa canh đường trắng + 1 thìa mì chính + 1 quả ớt chín cắt nhỏ + 1 ít nước cốt chanh, nêm nếm lại cho vừa khẩu vị.
Bước 5: Khi trộn gỏi lần lượt cho mực, rau húng, lạc rang vào. Cuối cùng rưới phần nước trộn lên và trộn đều. Nên trộn trước khi ăn khoảng 5-10 phút để xoài giữ được độ giòn.
Bước 6: Khi ăn rắc thêm hành khô vào, trang trí vài ngọn rau húng cho đẹp mắt.
Gỏi xoài trộn mực ăn chơi rất hợp cho ngày nắng nóng. Chúc bạn và gia đình ngon miệng với món gỏi xoài trộn mực khô chua ngọt, dễ ăn này nhé!

Theo Hương Quý (Khám phá)

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Rửa rau ba lần đã đủ sạch?

Nhiều chị em vẫn cho rằng, rau chỉ cần rửa từ 2 - 3 nước là sạch. Tuy nhiên, trên thực tế, để rau thực sự sạch thì cần có cách rửa khoa học hơn.

Các nguyên nhân khiến rau bẩn

Đa số mọi người nghĩ, rửa rau là một công việc dễ dàng, dễ làm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho biết, nếu không biết cách rửa rau thì rau bẩn vẫn hoàn rau bẩn. Mỗi loại rau đều có nguy cơ nhiễm chất bảo vệ thực vật khác nhau nên cũng có những cách làm sạch rau khác nhau.

Để có những mớ rau bắt mắt, tươi non mơn mởn như ở ngoài chợ, người sản xuất sử dụng vô số các chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, phân, lân, đạm… Bên cạnh đó, để thu hoạch được bội thu hơn, làm tăng sự phát triển của rau người trồng cũng bơm nhiều loại thuốc kích thích. Theo một số nghiên cứu có đến 50% mẫu rau có hàm lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép.
Những người có thói quen rửa rau bằng nước muối, thuốc tím hay mấy loại nước rửa rau chuyên dụng đang bán trên thị trường, kết quả xét nghiệm cho thấy rửa bằng những cách này chỉ làm sạch được vi khuẩn, còn ký sinh trùng không có tác dụng. Nhiều loại nước rửa rau tràn lan trên thị trường thực chất chỉ là nước muối sinh lý, không phải thuốc diệt được các loại ký sinh trùng. Thời gian qua đã có khá nhiều ca ngộ độc thực phẩm do ăn phải rau không sạch, rau nhiễm thuốc.

Lưu ý cách rửa các loại rau

Theo Chuyên gia Trần Thị Hồng – Bộ môn Rau và gia vị, Viện nghiên cứu rau củ quả cho biết, nguyên tắc rửa rau chung cho tất cả các loại là: mua về nhặt sạch sẽ loại bỏ phần gốc, rễ. Trước khi rửa nên ngâm nhẹ vào nước, rửa nhẹ nhàng nhiều lần từ 3-4 nước. Đối với rau lá to phải rửa kĩ từng lá.
Rau ăn lá, rau gia vị (rau sống) được xếp vào loại ô nhiễm nhiều nhất. Các bà nội trợ cẩn thận hơn sẽ ngâm rau với nước muối loãng từ 5-10 phút trước khi đưa vào chế biến.

Chuyên gia Trần Thị Hồng cũng lưu ý thêm về cách rửa rau thơm:

- Đối với rau sống và các loại rau thơm (rau mùi, xà lách…) có cách rửa khác rau thường 1 chút. Rau sống khi rửa nên rửa dưới vòi nước chảy, như vậy sẽ rửa sạch được các trứng sâu bệnh hay giun sán. Rửa như vậy còn tránh được dập nát, bảo đảm thẩm mỹ.

Một số mẹo để loại bỏ chất độc từ rau các mẹ nên biết:

- Các bà nội trợ cẩn thận hơn sẽ ngâm rau với nước muối loãng từ 5-10 phút trước khi đưa vào chế biến.

- Một mẹo khác là dùng nước vo gạo ngâm rau để giảm bớt lượng tồn dư do thuốc bảo vệ thực vật ngấm trong rau.
- Ngâm rau trong nước ấm từ 3-5 phút có thể làm giảm dư lượng nitrat  và lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư.

Theo Tuệ Linh (Khám Phá)

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Cách nấu nước nha đam

Cùng xem cách làm nước nha đam dễ dàng mà mang lại hiệu quả làm đẹp da rất cao:

Nguyên liệu:
  • Lá nha đam (chọn là xanh tươi và dày thịt)
  • Đường phèn.

Cách nấu nước nha đam đường phèn

cach-nau-nha-dam-duong-phen
  • Lá nha đam gọt bỏ vỏ và ngạch lá 2 bên, phần thịt nha đam đem ngâm trong nước muối trong khoảng 15 đến 20 phút, bóp nhẹ tay cho thịt nha đam ra sạch nhớt, rửa lại bằng nước thường rồi để ráo nước. (Khâu sơ chế giúp nha đam không bị đắng)
  • Thịt nha đam đem thái hạt lựu hoặc cho vào máy xay sinh tố xay sơ sao cho vẫn còn những miếng nha đam nhỏ.
  • Chuẩn bị một nồi nước (với khoảng 1 lít nước cho 600 đến 700g nha đam), cho đường phèn (tùy khẩu vị) vào đun cho sôi.
  • Khi đường tan, cho nha đam vào và đun nhỏ lửa (giúp cho nồi nước nha đam không bị bọt). Khi nước đường sôi, tắt bếp, để nguội. Cho nước nha đam đường phen vào tủ lạnh uống dần dần.
Mỗi ngày uống 1 chai 500ml thay nước là bạn có thể sở hữu một làn da như ý muốn, ít nổi mụn và sáng khỏe tự nhiên.

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Bluehost